HỆ THỐNG ĐO TỐC ĐỘ TRUY CẬP INTERNET TẠI VIỆT NAM

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

TRUNG TÂM INTERNET VIỆT NAM

Câu hỏi:

  1. Tôi có thể đo tốc độ truy cập Internet ở đâu?
  2. Cách đo tốc độ truy cập Internet qua ứng dụng i-Speed?
  3. Hệ thống có thu thập dữ liệu cá nhân của tôi không? Dữ liệu đo được dùng để làm gì?
  4. Các thông số kết quả đo là gì và có ý nghĩa như thế nào?
  5. Tại sao kết quả đo tốc độ Internet của tôi chậm?
  6. Tốc độ Internet cần như thế nào cho video call, Netflix, game online ...?
  7. Ping (hoặc độ trễ) có ý nghĩa thế nào khi chơi game trực tuyển? Thông số về Ping có thể chấp nhận được để chơi game trực tuyến là gì?
  8. Thay đổi máy chủ điểm đo để làm gì?
  9. Theo tôi được biết là VNNIC sẽ công bố dữ liệu thống kê theo nhà mạng, vậy có thể sử dụng dữ liệu này để so sánh chất lượng các nhà mạng không?
  10. Tại sao kết quả kiểm tra tốc độ Internet của tôi trên điện thoại, máy tính và máy tính bảng lại khác nhau?
  11. Nguyên tắc tự động chọn điểm đo?

Tôi có thể đo tốc độ truy cập Internet ở đâu?

Người sử dụng Internet có thể đo tốc độ truy cập Internet của mình qua Hệ thống đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam (VNNIC Internet Speed) gồm: Ứng dụng i-Speed by VNNIC (i-Speed) trên các thiết bị di động dùng hệ điều hành Android, iOS hoặc trên Website https://speedtest.vn, https://i-speed.vn. Khuyến khích sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động để trải nghiệm tốt hơn, nhiều thông tin hơn.

Người dùng Internet tại Việt Nam được chủ động lựa chọn điểm đo, thực hiện đo, và tự đánh giá tốc độ truy cập Internet của mình với các thông số: tốc độ tải xuống (Download), tốc độ tải lên (Upload), độ trễ (Ping, Jitter).


Cách đo tốc độ truy cập Internet qua ứng dụng i-Speed?

Để đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam qua ứng dụng i-Speed, bạn thực hiện các bước như sau:

  • Mở ứng dụng i-Speed trên thiết bị di động
  • Cho phép quyền truy cập vị trí để tìm điểm đo gần nhất, tối ưu nhất
  • Lựa chọn điểm đo và nhấn "Thực hiện đo"
  • Ứng dụng cung cấp nhiều thông tin chi tiết về kết quả đo gồm: các thông số phản ánh tốc độ truy cập Internet như tốc độ tải xuống (Download), tốc độ tải lên (Upload), thời gian trễ (Ping, Jitter); nhà cung cấp dịch vụ; loại hình kết nối (Wifi/3G/4G/5G); điểm đo; giao thức kết nối Internet (IPv4/IPv6); ... Bạn tham khảo thông tin hướng dẫn về Ứng dụng i -Speed tại đây.

Hệ thống có thu thập dữ liệu cá nhân của tôi không? Dữ liệu đo được dùng để làm gì?

Hệ thống không thu thập dữ liệu cá nhân của người sử dụng. Khi sử dụng công cụ đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam trên trên Website (https://speedtest.vn, https://i-speed.vn) và trên ứng dụng i-Speed, người dùng sẽ được hỏi về việc cho phép truy cập về vị trí địa lý của thiết bị sử dụng. Người dùng có thể đồng ý hoặc không đồng ý. Dữ liệu vị trí phục vụ chọn điểm đo tối ưu nhất, thông tin khoảng cách đến các điểm đo và phục vụ thống kê theo địa phương.

Ngoài dữ liệu về vị trí địa lý, khi sử dụng ứng dụng i-Speed, người dùng đồng ý cho phép ứng dụng có quyền truy cập vào những dữ liệu sau: Thông tin về thiết bị di động cài ứng dụng (hệ điều hành, phiên bản hệ điều hành, chủng loại của thiết bị); Thông số kỹ thuật kết nối mạng Internet.

Dữ liệu được thu thập, truyền qua giao thức bảo mật, chỉ sử dụng vào mục đích phân tích, thống kê, tổng hợp, phản ánh trung thực kết quả đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam, hỗ trợ tốt công tác quản lý nhà nước, phát triển mạng Internet Việt Nam, thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ Internet của doanh nghiệp cung cấp cho người sử dụng.


Các thông số kết quả đo là gì và có ý nghĩa như thế nào?

Các thông số về tốc độ truy cập Internet bao gồm tốc độ tải xuống (Download), tốc độ tải lên (Upload), độ trễ (Ping, Jitter).

Tốc độ Download:

  • Là tốc độ lấy, tải dữ liệu từ điểm đo đến thiết bị người dùng tại thời điểm kiểm tra. Tốc độ download càng cao thì việc tải dữ liệu từ Internet về máy người dùng càng nhanh, phù hợp với việc xem tin tức, phim, video clip trực tuyến, tải tài liệu, tải file, tải thư điện tử (email).
  • Đơn vị đo là Mbps.

Tốc độ Upload:

  • Là tốc độ đẩy, tải dữ liệu lên từ thiết bị người dùng tới điểm đo tại thời điểm kiểm tra. Tốc độ upload càng cao thì việc đẩy dữ liệu từ thiết bị của người dùng lên Internet càng nhanh, phù hợp với việc gửi file, tài liệu, video clip, gửi thư điện tử (email), live stream ...
  • Đơn vị đo là Mbps.

Thời gian trễ Ping, Jitter:

  • Ping và Jitter là hai thông số rất quan trọng với các dịch vụ thoại, video, video games … trên Internet, nếu hai tham số này cao thì sẽ gây ra hiện tượng méo tiếng và vỡ hình. (i-Speed thực hiện ping qua giao thức https)
  • Đơn vị đo là ms.

Khi sử dụng ứng dụng i-Speed trên thiết bị di động, ngoài các thông số về tốc độ truy cập Internet trên, người dùng còn được biết thêm các kết quả:

  • Loại kết nối (Wifi/3G/4G/5G)
  • Giao thức kết nối Internet (IPv4/IPv6)
  • Nhà cung cấp dịch vụ

Tốc độ Internet cho người sử dụng tham khảo:

  • 1- 5Mbs: email cơ bản; stream nhạc (trên 1 thiết bị); tìm kiếm trên Google,...
  • 5-40 Mbps: stream video (trên 1 thiết bị); video call (skype, facetime...); game online (loại game 1 người chơi);...
  • 40 – 100 Mbps: tải các file lớn, ứng dụng...; stream video HD (nhiều thiết bị); game online (loại game nhiều người)
  • 100 – 500 Mbps: tải nhanh các file rất lớn; game online (nhiều người chơi đồng thời); stream video UHD (nhiều thiết bị).
  • 500 - 1000+ Mbps: Đáp ứng nhu cầu sử dụng tất cả các dịch vụ Internet chất lượng cao, tốc độ vô cùng cao, thời gian thực...

Tại sao kết quả đo tốc độ Internet của tôi chậm?

Kết quả đo tốc độ truy cập Internet chậm hơn so với cam kết dịch vụ của nhà mạng có rất nhiều yếu tố cần xem xét.

Trước tiên, bạn hãy kiểm tra xem thiết bị có đang phát trực tuyến hoặc tải xuống các tệp có dung lượng lớn trong khi đo tốc độ truy cập Internet hay không? Sau đó, bạn hãy thử kiểm tra lại. Nếu kết quả đo vẫn chậm, hãy thử khởi động lại thiết bị hoặc bộ định tuyến của bạn và đảm bảo rằng bộ định tuyến của bạn không bật bất kỳ tính năng nào liên quan đến chất lượng dịch vụ (QOS).

Nếu cách đó không khắc phục được sự cố, bạn hãy liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ để được trợ giúp. Bạn lưu ý rằng, đối với các kết nối băng thông cao hơn 150 Mbps trở lên, bạn sẽ cần một bộ định tuyến chất lượng cao hơn để theo kịp.


Tốc độ Internet cần như thế nào cho video call, Netflix, game online...?

Tốc độ Internet cho người sử dụng tham khảo

  • 1- 5Mbs: email cơ bản; stream nhạc (trên 1 thiết bị); tìm kiếm trên Google,...
  • 5-40 Mbps: stream video (trên 1 thiết bị); video call (skype, facetime...); game online (loại game 1 người chơi);...
  • 40 – 100 Mbps: tải các file lớn, ứng dụng...; stream video HD (nhiều thiết bị); game online (loại game nhiều người)
  • 100 – 500 Mbps: tải nhanh các file rất lớn; game online (nhiều người chơi đồng thời); stream video UHD (nhiều thiết bị).
  • 500 - 1000+ Mbps: Đáp ứng nhu cầu sử dụng tất cả các dịch vụ Internet chất lượng cao, tốc độ vô cùng cao, thời gian thực...

Ping (hoặc độ trễ) có ý nghĩa thế nào khi chơi game trực tuyển? Thông số về Ping có thể chấp nhận được để chơi game trực tuyến là gì?

Ping hay còn gọi là độ trễ, là độ trễ thời gian gửi và nhận một tệp tin thiết bị của bạn với máy chủ game và ngược lại. Ping cao đồng nghĩa với việc mất nhiều thời gian hơn cho quá trình trên, tạo ra độ trễ trong khi chơi game.

Trong phạm vi chỉ số ping từ 20 - 40 ms được coi là tối ưu, nhưng với tốc độ ping cao hơn từ 50 đến 100 ms vẫn có thể chấp nhận được cho việc chơi game.


Thay đổi máy chủ điểm đo để làm gì?

Việc thay đổi máy chủ điểm đo cũng giống như việc bạn thực hiện truy cập đến nhiều máy chủ khác nhau trên Internet. Có một số yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ truy cập Internet của bạn, chẳng hạn như khoảng cách vật lý giữa thiết bị của bạn và máy chủ. Do đó, để có kết quả và đánh giá đo tốc độ truy cập Internet một cách khách quan nhất, bạn nên thay đổi và đo với nhiều máy chủ điểm đo khác nhau. Điểm đo tốt nhất là điểm đo của nhà mạng bạn đang sử dụng và có điểm gần bạn nhất (Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh).


Theo tôi được biết là VNNIC sẽ công bố dữ liệu thống kê theo nhà mạng, vậy có thể sử dụng dữ liệu này để so sánh chất lượng các nhà mạng không?

Dữ liệu tốc độ truy cập Internet chỉ là một nguồn tham khảo đánh giá trải nghiệm người dùng. Tuy không thể sử dụng kết quả đo để đánh giá hoàn toàn chất lượng Internet của nhà mạng, bạn có thể đối chiếu kết quả với gói cước, cam kết của nhà cung cấp dịch vụ và yêu cầu họ cải thiện nếu cần.


Tại sao kết quả kiểm tra tốc độ Internet của tôi trên điện thoại, máy tính và máy tính bảng lại khác nhau?

Internet Speed by VNNIC đo tốc độ truy cập mạng theo thời gian thực, vì vậy các lần đo sẽ cho kết quả khác nhau. Nguyên nhân do phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

  • Yếu tố về cường độ sóng đối với Internet di động hoặc wifi không đảm bảo
  • Yếu tố về đường truyền do lỗi thiết bị (modem/switch/hub ..), lỗi từ nhà cung cấp
  • Yếu tố thiết bị đo, do thiét bị máy tính/ điện thoại của bạn chạy quá nhiều ứng dụng đồng thời, hoặc bị virus
  • Nhiều người truy cập trên một đường truyền chia sẻ
  • Các điểm đo khách nhau thì tốc độ khác nhau

Để có kết quả đo chính xác, bạn hãy đo nhiều lần và nếu thấy tốc độ truy cập không như cam kết dịch vụ, có thể phản ánh với nhà cung cấp dịch vụ.


Nguyên tắc tự động chọn điểm đo của ứng dụng i-Speed?

Hệ thống tự động lựa chọn điểm đo theo nguyên tắc sau đây:

  • Đưa vào danh sách kiểm tra các điểm đo tốt nhất theo nguyên tắc lựa chọn thuê bao/khách hàng của nhà mạng nào thì lấy các điểm đo của nhà mạng ở khu vực đó cộng thêm các điểm gần nhất theo location.
  • Kiểm tra chất lượng kết nối (ping) đến các điểm theo danh sách trên, điểm nào tốt nhất thì lấy làm điểm test và tuần tự theo khoảng cách gần hơn sẽ ưu tiên.